You Are Here: Home - chương trình đào tạo , đào tạo , giới , Giới và Phát triển - Đào tạo về Giới trong các trường Đại học ở Việt Nam

Khoa học về Giới đã có bề dày phát triển hàng trăm năm tại những trường Đại học lớn trên thế giới như đại học Havard (Mỹ), Đại học Melbourne (Úc), Đại học Bradford (Anh)… đi kèm với sự đa dạng về nội dung đào tạo những môn học có liên quan đến Giới. Giới được tiếp cận từ nhiều lĩnh vực, ngành học khác nhau như: Nghệ thuật; Chính trị; Luật; Sức khỏe; Xã hội, văn hóa; Tôn giáo, chủng tộc, sắc tộc… Tuy nhiên, ở Việt Nam, ngành khoa học này mới phát triển từ khoảng 20 năm trở lại đây mà tiền thân của nó là những nghiên cứu về phụ nữ. Hiện nay, theo thống kê trong cả nước, có 13 trường Đại học có bộ môn/khoa đào tạo về Giới. Mặc dù một số trường Đại học khối khoa học Xã hội (ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN, ĐH mở bán công TP HCM, ĐH Khoa học Huế, Học viện Báo chí và tuyên truyền…) đã có nghiên cứu và giảng dạy về Giới nhưng những chương trình nghiên cứu và giảng dạy về Giới hoàn toàn riêng biệt và bị bó hẹp trong một số khoa như Tâm lý học, Xã hội học. Đối với một số trường Đại học khối ngành Luật, Kinh tế, Kiến trúc… Giới được đưa vào giảng dạy bằng cách lồng ghép hoặc với tư cách là một môn tự chọn. Là một ngành học có thể nói còn khá non trẻ, việc đào tạo Giới đặt ra nhiều vấn đề đáng quan tâm. Một trong những vấn đề đó là chất lượng đào tạo Giới trong các trường ĐH.

Bài viết của chúng tôi sẽ đề cập đến vấn đề này từ cách nhìn nhận, đánh giá của sinh viên và giảng viên trong một số trường Đại học có đào tạo về Giới. Số liệu của bài báo này được lấy từ đề tài nghiên cứu “Đào tạo về Giới trong các trường Đại học ở Việt Nam” do Trung tâm nghiên cứu về Phụ nữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì. Chúng tôi đã tiến hành điều tra bằng bảng hỏi trên 181 sinh viên thuộc 3 trường ĐH có giảng dạy về Giới, đó là ĐH Khoa học xã hội nhân văn Hà Nội (bao gồm SV ngành Tâm lý học và Xã hội học), Học viện báo chí & tuyên truyền (SV ngành Xã hội học) và ĐH Đà Lạt (SV ngành Xã hội học và Công tác xã hội) và phỏng vấn bán cấu trúc 5 giáo viên chuyên dạy về Giới của một số trường Đại học. Bài viết này đề cập đến thái độ của SV với môn học có liên quan đến Giới ; phân tích nội dung và phương pháp giảng dạy về Giới và chỉ ra những thuận lợi, khó khăn trong việc dạy và học môn khoa học này.

1. Thái độ đối với môn học về giới của sinh viên

Trước hết, chúng tôi nhận thấy hầu hết các sinh viên sau khi được học về Giới đều có nhận thức đúng đắn về môn khoa học này. Theo sinh viên, nói đến Giới là nói đến sự tương quan về mặt xã hội giữa nam giới và nữ giới. Môn học liên quan đến Giới không nhằm hạ thấp đàn ông cũng không nhằm tôn vinh phụ nữ mà nó giúp nam giới và nữ giới hiểu hơn về các vai trò giới của nhau, khuyến khích họ phát huy tối đa năng lực của mình và nhận thấy những bất công về giới đang tồn tại trong đời sống xã hội gây cản trở cho quá trình phát triển. Điều này cũng chứng tỏ là nội dung giảng dạy về giới được đề cập đến từ góc độ khoa học về Giới chứ không mang tính chất tuyên truyền chính trị. Chính điều này sẽ khiến sinh viên nhận thấy tính chất khoa học, đúng đắn của môn học mình đang theo và hứng thú với nó. “Giới là môn khoa học tìm hiểu đặc điểm giới trong xã hội từ đó tìm ra những bất bình đẳng giới và tạo điều kiện cho người phụ nữ cũng như đàn ông phát triển năng lực của mình ” (Phiếu 27, Nữ). Không chỉ sinh viên nữ có ý kiến như trên mà phần lớn các sinh viên nam cũng có ý kiến tương đồng: “Giới là môn học giúp con người phát triển toàn diện và công bằng nhất” (Phiếu 110, Nam). Mặc dù sinh viên cho rằng giới là môn học nói về cả nam giới và nữ giới và bản chất của nó không nhằm bênh vực hay phê phán phái nào nhưng trong quá trình học và tiếp cận các nguồn tài liệu, nhiều sinh viên cho rằng phần lớn những nghiên cứu chỉ đề cập đến các vấn đề của phụ nữ, xem phụ nữ như một nhóm xã hội yếu thế, gặp nhiều thiệt thòi, cần phải được bênh vực và tạo điều kiện hơn cả. Do vậy, không ít sinh viên cảm thấy dường như môn học về giới chỉ vì quyền lợi của phụ nữ mà thôi. “Bản chất của môn học về giới không nhằm nói xấu đàn ông nhưng sự phổ biến trong các nghiên cứu và các vấn đề được bàn tới về quyền bình đẳng cho người phụ nữ xuất hiện quá nhiều, khiến người học có thể có cảm giác giới là môn học nói xấu đàn ông” (Phiếu 99, Nữ), hoặc sinh viên khác cho rằng: “Môn học này không đánh giá nhiều về chuyện đàn ông có tốt hay không. Tuy nhiên, tôi thấy nó hơi nghiêng về phụ nữ. Do cách mà người dạy truyền đạt và quan niệm sẽ ảnh hưởng đến nội dung môn học” (Phiếu 104, Nữ).

Theo kết quả điều tra của chúng tôi thì tất cả sinh viên đều nhận thấy môn học về Giới được giảng dạy trong chương trình học có mối liên hệ mật thiết, quan trọng đối với ngành học của mình. “Môn giới gần như là trọng tâm khi học đến các môn khác” (Phiếu 21). Không những thế, phần lớn sinh viên cũng đánh giá những kiến thức về giới được học sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc trong tương lai: “Môn học này giúp cho chuyên ngành của tôi khi làm việc với gia đình từng cá nhân cụ thể, khi đó tôi sẽ biết việc cần áp dụng những kiến thức gì khi làm việc với thân chủ” (Phiếu 48). Điều này cho thấy các sinh viên khi được học về Giới đều đánh giá rất cao ý nghĩa khoa học và thực tiễn của môn học này. Bên cạnh đó, nó cũng phần nào giúp giải thích số lượng 82% sinh viên cảm thấy rất thích thú trong giờ học môn giới, 18% cảm thấy bình thường và đặc biệt không có sinh viên nào cảm thấy chán ghét môn học. Tuy nhiên, con số này có sự chênh lệch giữa sinh viên nam và sinh viên nữ. Chúng tôi nhận thấy tỉ lệ sinh viên nữ hứng thú với môn học về giới trong các trường là cao hơn sinh viên nam, tỉ lệ đó được trình bày trong bảng sau:

Biểu đồ 1: Thái độ đối với môn học về giới của sinh viên

 

Kết quả này cũng phù hợp với nhận xét của giảng viên về thái độ của sinh viên khi học môn Giới. Tất cả các giảng viên khi được hỏi đều cho rằng cả sinh viên nam và sinh viên nữ đều hứng thú với môn học về Giới nhưng thường thì sinh viên nữ quan tâm hơn. “Tôi thấy trước hết sinh viên có thái độ tò mò về môn học vì nhận thấy có những thông tin mới và sinh viên được thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu thông tin đó. Tôi cũng nhận thấy có sự khác biệt giữa sinh viên nam và sinh viên nữ. Thường thì sinh viên nữ quan tâm hơn đến môn học có lẽ xuất phát từ ý thức của mình là nhìn thấy bất bình đẳng giữa nam và nữ rõ hơn. Còn sinh viên là nam giới có vẻ nghi ngờ về nội dung học” (TTVA, Học viện hành chính Quốc gia HCM). Hay “Tôi thấy sinh viên nữ nhiệt tình hơn nam, … nhiều sinh viên nam không muốn nói đến nhưng có những em nam cũng rất nhiệt tình, chứng tỏ sự chia sẻ với phụ nữ. Về cơ bản thì tôi thấy sinh viên nam không nhiệt tình như sinh viên nữ” (LTQ, ĐHKHXH&NV).

Sự hứng thú của sinh viên đối với môn học về giới còn được thể hiện qua số lượng sinh viên chọn làm khóa luận tốt nghiệp về chủ đề giới. Có đến 27% số sinh viên trả lời muốn làm khóa luận tốt nghiệp về chủ đề này. Theo như đánh giá của PGS.TS. LTQ (ĐHKHXH&NV) thì “Số lượng sinh viên lựa chọn chủ đề về giới là đông. Tuy tôi chưa lượng giá được… nhưng khi ngồi hội đồng thì tôi thấy số lượng báo cáo khá nhiều. Tôi thấy những khóa luận đó nhìn chung là tốt, sinh viên nắm được vấn đề”.

Đáng chú ý là dù chỉ có 27% sinh viên lựa chọn làm khóa luận tốt nghiệp chủ đề giới nhưng khi được hỏi về dự định sau khi ra trường có làm việc trong lĩnh vực giới hay không thì có đến 67% số sinh viên lựa chọn là “”. Ngoài những ý kiến giải thích cho lựa chọn của mình là vì “Sự bình đẳng giữa nam và nữ trong xã hội ngày nay là vấn đề đang được quan tâm, giúp cho xã hội công bằng hơn đặc biệt là công bằng về giới” (Phiếu 179) thì có khá nhiều sinh viên muốn làm việc trong lĩnh vực giới vì cho rằng giới là lĩnh vực “Thú vị và mới lạ” (Phiếu 172) và “Tìm hiểu dễ” (Phiếu 177).

Phân tích các kết quả thu được, chúng tôi nhận thấy sinh viên khi học về Giới không chỉ có nhận thức đúng đắn về bản chất của môn học mà còn có thái độ thích thú khi được tiếp cận với ngành khoa học này, và điều này cũng được thể hiện ở một số lượng không nhỏ các sinh viên muốn tiếp tục làm khóa luận và/hoặc sau khi ra trường được làm việc trong lĩnh vực giới. Điều này cũng cho thấy việc đưa nội dung Giới vào giảng dạy trong các trường Đại học là hoàn toàn đúng đắn, cần thiết và phù hợp với xu thế chung của thời đại.

 2. Về nội dung giảng dạy và phương pháp giảng dạy môn Giới

Có một thực tế là để có thể tạo sự hứng thú học tập ở sinh viên thì nội dung môn học và phương pháp giảng dạy của giáo viên cũng là điều rất đáng chú ý tới. Khi được yêu cầu đánh giá về nội dung chương trình đào tạo Giới, 77.3 % sinh viên đã có đánh giá tốt về môn học. Cụ thể, 23.2% sinh viên đã đánh giá nội dung môn học về Giới “rất hay”, 54.1% sinh viên đánh giá chúng “hay”, 21% sinh viên nghĩ nội dung môn học về Giới chỉ ở mức “bình thường” và có 0.6% sinh viên đánh giá nội dung môn học về Giới “dở”.

Biểu đồ 2: Đánh giá của sinh viên về nội dung chương trình đào tạo Giới


Về phía giảng viên, họ cho biết họ đã cố gắng xây dựng nội dung chương trình Giới hiện tại rất gần với các chiến lược, chính sách và các mối quan tâm về giới ở Việt Nam. Một số giảng viên quan tâm cập nhật những kiến thức mới cũng như chỉnh sửa nội dung chương trình cho thích hợp với bối cảnh xã hội hiện tại để tăng hứng thú của sinh viên với môn học. “Trong chương trình giảng dạy hiện nay, mỗi năm tôi đều chủ động bỏ đi hoặc lướt qua các vấn đề cũ và đưa thêm vào những vấn đề mới cho cập nhật với tình hình hiện tại. Do đó, những vấn đề cơ bản, cốt lõi thì giữ nguyên nhưng phần thực tiễn, thực nghiệm thì thay đổi để chương trình không bị lạc hậu, cũ so với tình hình hiện tại. (NTNM - Học viện báo chí và tuyên truyền).

Về phía sinh viên, dù khá hài lòng với chương trình đào tạo Giới hiện tại nhưng ngoài những kiến thức cơ bản và then chốt nhất của khoa học Giới, sinh viên mong muốn được tiếp cận với những kiến thức đa dạng hơn và gần gũi hơn với cuộc sống của họ. Những vấn đề mà sinh viên quan tâm phản ánh những thiếu hụt hoặc khó khăn của họ khi nhìn nhận và giải quyết chúng. Theo nguyện vọng của sinh viên, họ mong muốn được cung cấp thêm  kiến thức về những vấn đề xã hội như hiện tượng sống thử, quan hệ tình dục trước hôn nhân, ảnh hưởng của nạo phá thai đối với phụ nữ và trẻ em gái. Ngoài ra, các vấn đề như định kiến và khuôn mẫu xã hội với nam giới cũng như những vấn đề liên quan đến người đồng tính luyến ái, người lưỡng tính và chuyển giới cũng được một bộ phận sinh viên quan tâm đề xuất.

Tuy nhiên, qua điều tra chúng tôi nhận thấy rằng, thời lượng học dành cho môn Giới tuy ở các trường có khác nhau nhưng tựu trung lại cũng chỉ dao động từ 30 đến 45 tiết học. Với thời lượng học như vậy, giáo viên phải cân nhắc để “... Trong một thời gian hạn chế, tôi cố gắng chắt lọc các nét lớn” (LTQ, ĐHKHXH&NV). Nên dù biết nhưng mong muốn của sinh viên là hoàn toàn chính đáng thì giáo viên cũng không thể nào đáp ứng hết được nhu cầu hiểu biết thông tin từ phía các em. Vì thế cần phải có sự nỗ lực rất lớn không chỉ từ phía giảng viên, mà từ cả sinh viên trong việc tìm hiểu thêm những kiến thức liên quan ngoài chương trình học.

Để bài giảng thực sự lôi cuốn được người học thì ngoài nội dung hay, cách thức giảng dạy của giảng viên là điều vô cùng quan trọng. Như đánh giá của một giảng viên thì “Theo tôi, cần nâng cao kĩ năng và  phương pháp của người dạy. Nếu làm được điều đó thì có ích rất lớn cho người học. Vì nếu như kiến thức của người dạy dù chỉ là 7/10 mà có phương pháp tốt thì sẽ tạo quan tâm cho người học muốn tìm hiểu sâu hơn” (TTVA, Học viện hành chính  quốc gia HCM). Nếu như nội dung học cuốn hút được sinh viên đánh giá cao thì phương pháp giảng dạy của giáo viên cũng được nhiều sinh viên thừa nhận một cách tích cực. 90% số sinh viên được hỏi nhận thấy phương pháp của giáo viên mình là tốt, khá. 74% sinh viên nhận thấy bầu không khí lớp học khi học môn học về Giới là sôi nổi, hấp dẫn và cũng 74% số sinh viên nhận định so với các giờ học khác thì bầu không khí trong giờ học về Giới là lôi cuốn hơn. Điều này chứng tỏ sự cố gắng của giảng viên trong cách thức truyền đạt kiến thức cho sinh viên của mình, các thầy cô cũng đã nỗ lực để làm sao môn Giới được truyền tải dễ hiểu nhất có thể và lôi cuốn người học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Trao đổi với các giảng viên, chúng tôi nhận thấy các thầy cô đã vận dụng nhiều phương pháp khác nhau trong giảng dạy để làm bài giảng của mình cuốn hút hơn. Những phương pháp như: thuyết trình, phát vấn, ghi ý kiến lên bảng, thảo luận nhóm, làm bài tập nhóm... luôn được các thầy cô vận dụng thường xuyên và có sự đan xen, thay đổi trong quá trình giảng dạy. Thậm chí, có giảng viên còn giảng dạy bằng cách chiếu phim và cho sinh viên thảo luận chứng tỏ một sự đầu tư rất lớn vào bài giảng của mình. Sự đa dạng về phương pháp như vừa nêu trên một mặt giúp sinh viên không cảm thấy nhàm chán, mặt khác cũng tạo điều kiện cho họ tham gia nhiều hơn vào bài học và chủ động hơn đối với việc học của mình. Tuy nhiên, mức độ áp dụng và thay đổi các phương pháp khác nhau trong quá trình dạy ở mỗi giáo viên cũng khác nhau.

3. Thuận lợi và khó khăn trong việc học và dạy môn Giới

Nghiên cứu nhận thấy yếu tố thuận lợi khi học về Giới của sinh viên rất đa dạng. Các yếu tố khách quan tập trung vào hai mặt. Thứ nhất là năng lực và tâm huyết của người dạy: “Cô giáo giàu kinh nghiệm và có kiến thức chuyên sâu” (Phiếu 7); “Cô giáo nhiệt tình, giỏi” (Phiếu 6)... Những điều này giúp cho giảng viên có thể kích thích được mong muốn được hiểu biết, khám phá của sinh viên, giúp cho giờ học thêm sôi động, không bị nhàm chán. Thứ hai là nguồn tài liệu tham khảo, theo đánh giá của sinh viên thì rất dễ để tìm kiếm những tài liệu liên quan đến giới trên mạng internet và qua sách báo do đó, các em không cảm thấy mơ hồ về môn học. Các yếu tố chủ quan tập trung vào việc sinh viên có hứng thú với môn học và đã có sẵn một lượng kiến thức nhất định tích lũy trong những năm đầu học Đại học, nên khi tiếp cận với môn Giới thì cảm thấy dễ hiểu. “Tôi có hứng thú với môn học, có nền tảng kiến thức cơ bản phục vụ cho việc học” (Phiếu 16).

Tuy vậy, khi nói về khó khăn trong quá trình học, khá nhiều sinh viên cho rằng khó khăn của mình là không có nhiều tài liệu. Bên cạnh đó, thời lượng học quá ít cũng khiến sinh viên cảm thấy không thỏa mãn với môn học. “Nội dung nhiều nhưng số tiết trên lớp lại quá ít... cần có nhiều thời gian học sâu thêm nữa” (Phiếu 4). Ngoài ra, có ý kiến đánh giá về sự chênh lệch giữa lý thuyết và thực tiễn khiến các em bối rối trong khi học về giới: “Lý thuyết và thực tiễn khác nhau, sẽ phải mất một thời gian dài nữa các kiến thức giới mới đúng với thực tế, đặc biệt là về bình đẳng giới” (Phiếu 9). Nếu như có những sinh viên nhận thấy sự ham mê, thích thú và tích cực trong học tập là thuận lợi của mình thì đó cũng là lí do khiến nhiều sinh viên cảm thấy khó khăn khi học môn giới do bản thân chưa thực sự dành nhiều thời gian, chưa tích cực. Đặc biệt, rất nhiều ý kiến cho rằng khó khăn lớn của mình là “Bản thân còn nhiều định kiến” (Phiếu 1) hay khó khăn xuất phát từ chính giới tính của mình và của giảng viên: “Là phụ nữ do vậy khi nhìn nhận so sánh với nam giới không có sự công bằng” (Phiếu 13) hoặc là “Bản thân là nữ giới nên đôi khi có định kiến thiên về phụ nữ. Giáo viên là nữ nên cũng có hạn chế khi quá nhấn mạnh những khó khăn, bất công của phái nữ” (Phiếu 145). Thậm chí, có sinh viên còn bi quan khi nhận định: “Mong muốn có những giải pháp cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới nhưng nhận thấy rằng khả năng cải thiện tình trạng này là rất khó khăn” (Phiếu 19); “Việc thực hành, nghiên cứu về giới không được đi thực tế, do vậy chưa biết ứng dụng vào thực tiễn ra sao” (Phiếu 80).

Qua những phân tích trên, chúng tôi nhận thấy những thuận lợi và khó khăn của sinh viên trong quá trình tiếp cận Giới là rất đa dạng. Có thể nói các em có nhiều yếu tố thuận lợi thúc đẩy cho việc học được tiến triển tốt nhưng bên cạnh đó cũng tồn tại rất nhiều khó khăn mà bản thân các em trải qua trong quá trình học. Dù là yếu tố khách quan hay chủ quan thì những khó khăn này cũng phần nào cản trở các em trong việc lĩnh hội kiến thức. Đặc biệt, nếu sinh viên không có niềm tin vào môn học của mình, cảm thấy mình học cũng vô ích vì không có ý nghĩa thực tiễn, không biết áp dụng như nào vào trong cuộc sống thì sẽ càng ảnh hưởng không tốt đến sự sẵn sàng học hỏi của các em.

Về phía giảng viên, đánh giá của họ về những thuận lợi khi dạy học được đề cập đến từ nhiều góc độ khác nhau: “Thuận lợi là Giới là ngành khoa học mà khi ra đời được sự quan tâm của các cấp, các ngành. Thực ra người Việt Nam biết về Giới từ rất lâu rồi. Hiện giờ các khoa Xã hội học ở các trường đều có học về Giới: Những trường như Học viện Báo chí và tuyên truyền, ĐH Công đoàn, ĐH Luật… đều có môn Giới dù giới còn rất trẻ. Khi đưa Giới vào giảng dạy sinh viên đón nhận ngay. Ngay khóa năm 1992, sinh viên nói rằng học về Giới thời kỳ đầu gây sửng sốt cho sinh viên, khiến họ khao khát tìm hiểu” (LTQ, ĐHKHXH&NV). Những thuận lợi đó còn đến từ thực tế hoạt động của giáo viên: “Thuận lợi đối với tôi là tôi có tham gia nhiều nghiên cứu về vấn đề này trong nhiều năm nên trong quá trình giảng dạy, tôi có nhiều ví dụ cụ thể và sâu sắc ở nhiều khía cạnh khác nhau, học viên cảm nhận được vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau” (TTVA, Học viện hành chính quốc gia HCM). Bên cạnh đó, giáo viên cũng gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình dạy học. Nếu như sinh viên nhận thấy có được giáo viên nhiệt tình, có năng lực là một trong những thuận lợi của mình thì đối với giáo viên, khó khăn lại xuất phát từ sinh viên khi không nắm bắt được nhu cầu của họ: “Khó khăn lớn nhất mà tôi nhận thấy đó là không thực sự hiểu được nhu cầu của sinh viên: Vì sao họ quan tâm hay học môn Giới? Có phải đó là nhu cầu xuát phát từ bản thân họ do họ yêu thích, muốn khám phá môn học này hay vì đó là môn học bắt buộc trong chương trình nên họ phải theo. Nếu học theo tinh thần như thế, rất có thể họ không tập trung nghe bài, cũng không phản hồi nên giáo viên không thể biết được bài giảng của mình được tiếp nhận như nào. Nói chung, khó khăn chính là không biết được động cơ của người học” (TTVA, Học viện hành chính quốc gia HCM). Hơn nữa, khả năng ngoại ngữ của sinh viên cũng là điều được bàn tới. Trên thực tế, tài liệu về giới có rất nhiều nhưng phần lớn bằng tiếng nước ngoài nhất là tiếng Anh, do vậy, nếu sinh viên không khá về ngoại ngữ sẽ rất khó khăn để tích lũy và cập nhật cho mình những kiến thức liên quan. Vì lẽ đó, có giáo viên phải đưa tài liệu yêu cầu sinh viên dịch để làm quen với việc đọc sách nước ngoài. Việc làm này là hoàn toàn đúng đắn và có ích cho sinh viên nhưng chỉ có thể giới hạn được trong một lượng nhỏ những sinh viên có vốn tiếng nước ngoài khá. Ngoài ra, dù giáo viên có ý thức về lợi ích của việc thay đổi những hoạt động trong giờ học nhưng thật không dễ dàng để họ có thể làm việc đó một cách thường xuyên. “Khó khăn lớn nhất là càng sử dụng nhiều hoạt động thì càng mất nhiều thời gian (trong khi thời lượng cho môn học chỉ giới hạn trong 45 tiết), khó khăn lớn thứ 2 là không có chi phí nào cho các loại văn phòng phẩm phục vụ cho các hoạt động. Do đó, có thể giáo viên phải tự chuẩn bị hoặc sinh viên phải tự bỏ quỹ lớp để mua. Điều này làm cho sinh viên không mấy hứng thú” (NTTM, Học viện Báo chí và tuyên truyền).

Kết luận

Thông qua những kết quả nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng mặc dù khoa học về Giới còn khá non trẻ ở Việt Nam nhưng khi đưa vào giảng dạy trong một số trường Đại học đã được các em sinh viên đón nhận nhiệt tình và đánh giá cao sự gắn bó của môn học về Giới trong tương quan với chuyên ngành mình theo học. Điều này cho thấy việc đưa Giới vào giảng dạy là điều hoàn toàn đúng đắn. Mặc dù còn tồn tại rất nhiều khó khăn trong việc dạy và học môn Giới nhưng chúng tôi nhận thấy các giáo viên khi đã giảng dạy đều vô cùng tâm huyết với môn học. Tuy nhiên, để khoa học về Giới có thể phát triển một cách bền vững thì hình thức tổ chức đào tạo nhỏ lẻ, cho một số ít sinh viên học các ngành khoa học xã hội như Luật, Tâm lý học, Xã hội học... có lẽ chưa thỏa đáng. Trên thế giới, Giới được đưa vào hầu hết các ngành học như chúng tôi đã nêu ở phần mở đầu. Và hiển nhiên, để có thể đi sâu vào mọi lĩnh vực như thế, điều tất yếu là cần mở ra một khoa chuyên biệt đào tạo về Giới. Thay cho lời kết, chúng tôi xin trích ở đây ý kiến của PGS.TS. LTQ (ĐHKHXH&NV) về việc cần phát triển khoa học về Giới theo một mức độ khác như sau: “Thực ra Giới xứng đáng là một khoa nhưng mình không đủ về lượng giáo viên trong khi nhu cầu thì lớn... Đội ngũ giáo viên quá mỏng và hiện nay mình chưa xin mã số ngành để mở thành một khoa riêng biệt”.

Tài liệu tham khảo:

  1. Trần thị Vân Anh, Lê Ngọc Hùng - Phụ nữ, Giới và Phát triển – NXB Phụ nữ 2000.

  2. Hội thảo khoa học ”Tăng cường hợp tác trong nước và quôc tế về lĩnh vực Giới và phát triển đô thị” (tháng 5/2004)

  3. Hội thảo khoa học ”Vấn đề Giới trong đào tạo Luật học ở trường ĐH Luật HN” (tháng 11/2006)


ThS. Bùi Thị Hồng Thái, Tạp chí Tâm lý học, số 4(121), 4- 2009...