You Are Here: Home - định kiến giới , giới , Tham khảo , Trần Thị Minh Đức - Lời tựa: Định kiến và phân biệt đối xử theo giới

VNSW xin giới thiệu lời tựa của cuốn sách "Định kiến và phân biệt đối xử theo giới", tác giả PGS.TS Trần Thị Minh Đức, do NXB ĐHQG Hà Nội phát hành


Trong cuộc sống, khái niệm định kiến và phân biệt đối xử thường được dùng để nói về thái độ và hành vi tiêu cực của các cá nhân, nhóm xã hội liên quan đến sắc tộc, dân tộc, tôn giáo, giới tính, địa vị xã hội, giầu - nghèo... Đây là chủ đề được nghiên cứu nhiều trong lĩnh vực Tâm lý học xã hội, Xã hội học, Dân tộc học… Cuốn sách “Định kiến và phân biệt đối xử theo giới” tập trung phân tích sâu những định kiến của xã hội đối với phụ nữ và nam giới, những định kiến này là nguồn gốc dẫn đến sự đối xử không công bằng trong xã hội, đặc biệt là không công bằng đối với nữ giới.


ở Việt Nam, các nghiên cứu lý thuyết, thực nghiệm về vấn đề định kiến và phân biệt đối xử theo giới còn mỏng. Vì vậy, phần lý thuyết trong cuốn sách này tập trung vào việc tổng hợp các quan điểm, các thực nghiệm lý giải nguồn gốc hình thành, duy trì định kiến và hành vi phân biệt đối xử theo giới. Phần trình bày thực tiễn, chúng tôi chỉ dừng ở việc phân tích những biểu hiện của định kiến giới, biểu hiện của sự phân biệt đối xử theo giới, những niềm tin phổ biến mang định kiến giới phản ánh tình hình thực tế ở Việt Nam. Đây là những kinh nghiệm của chúng tôi được xây dựng trên cơ sở những nghiên cứu của Tâm lý học xã hội về giới, những khoá tập huấn cho người dân ở cộng đồng về giới và bất bình đằng giới...


“Định kiến và phân biệt đối xử theo giới” là một cuốn sách chuyên khảo dành cho những nhà nghiên cứu và giảng dạy về Tâm lý học xã hội, Khoa học giới, Xã hội học và những người hoạt động trong các lĩnh vực thuộc về con người.


Để cuốn chuyên khảo này đến tay bạn đọc, chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự tài trợ xuất bản của Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu Châu á & Quỹ Giáo dục Cao học Hàn Quốc. Chúng tôi xin bày tỏ lời cảm ơn tới Hội đồng khoa học liên ngành Tâm lý - Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã thẩm định và đề nghị cho xuất bản công trình này. Nhân dịp này, chúng tôi cũng xin gửi lời cảm ơn tới Ths. Nguyễn Đức Chuẩn, người đã bổ sung cho chúng tôi một số số liệu nghiên cứu thực tế tại Thái Bình, cảm ơn anh Trương Phúc Hưng cùng các bạn ở Trung tâm nghiên cứu Phụ nữ - Đại học Quốc gia Hà Nội đã giúp đỡ trong quá trình thực hiện công trình.


Đây là cuốn sách phân tích vấn đề Giới từ góc nhìn của Tâm lý học xã hội nên không tránh khỏi những thiếu sót. Chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý xây dựng của bạn đọc.


Nhóm tác giả