You Are Here: Home - bản tin 26 , giảm nghèo , Phi chính phủ , xóa đói , Xóa đói giảm nghèo - Áp dụng kết quả nghiên cứu đặc điểm hộ gia đình vào rà soát hộ nghèo

[caption id="attachment_1413" align="alignleft" width="300" caption="Nguồn ảnh: Nhân Phạm"][/caption]

VNSW xin giới thiệu bài viết "Áp dụng kết quả nghiên cứu đặc điểm hộ gia đình vào rà soát hộ nghèo" của ThS Nguyễn Thị Lan. Bài viết được đăng trên Bản tin số 26 Viện Khoa học Lao động xã hội. 


Trong mỗi gia đình các hành vi, quyết định mua sắm đồ dùng, tài sản giá trị thế nào là tùy thuộc vào mức sống, thu nhập của hộ đó. Hộ có thu nhập khá thường có xu hướng đầu tư, mua sắm nhiều tài sản/công cụ sản xuất, đồ dùng lâu bền (gọi chung là tài sản) hơn hộ có thu nhập thấp. Hộ có thu nhập càng cao thì nhu cầu mua sắm, đầu tư càng lớn và hướng đến tài sản, đồ dùng có chất lượng, giá trị và tiện ích hơn. Các hành vi/quyết định đầu tư, mua sắm khác nhau này tạo nên sự khác biệt về tình trạng phúc lợi của mỗi hộ. Đặc biệt, giữa  hộ nghèo và không nghèo có những khác biệt nhất định về phúc lợi qua việc sở hữu tài sản hoặc qua các hoạt động tạo thu nhập/nguồn thu nhập của hộ. Các phát hiện trong nghiên cứu này là cơ sở để nhận dạng hộ phục vụ công tác rà soát hộ nghèo vừa được triển khai năm 2010 vừa qua.

Trong điều tra mức sống dân cư (VHLSS) 2008 một danh mục gồm 62 tài sản và đồ dùng lâu bền đã được sử dụng để phỏng vấn tình trạng sở hữu của hộ. Trong nghiên cứu đặc điểm sở hữu tài sản của hộ chúng tôi lựa chọn khoảng 54 loại tài sản trong đó để nhận dạng tình trạng phúc lợi của hộ. Các tài sản như quạt máy, xe đạp, xe cải tiến, … được loại khỏi danh mục do quá thông dụng hay ít được sử dụng và không liên quan nhiều đến tình trạng thu nhập của hộ. Ngoài số tài sản được lựa chọn trên đây chúng tôi bổ sung thêm một số yêu tố đặc trưng khác là nhà ở, qui mô hộ, nhà vệ sinh, trình độ chuyên môn kỹ thuật và các hoạt động tạo thu nhập của hộ... Các thông tin này được lấy trong VHLSS 2008.

Các tài sản và yếu tố đặc trưng của hộ có nhiều và đa dạng nhưng được phân loại theo bốn nhóm công dụng/chức năng sau:

a)      Nhóm công cụ sản xuất

b)     Nhóm nhà ở và tài sản sinh hoạt

c)     Các đặc điểm về hoạt động tạo thu nhập/hoặc có nguồn thu ổn định (như lương hưu, trợ cấp, nguồn tiền gửi từ người thân trong/ngoài nước, sản xuất kinh doanh); đặc điểm về việc làm của các thành viên trong hộ (làm công ăn lương, chủ trang trại/doanh nghiệp) và trình độ chuyên môn kỹ thuật;

d)     Nhóm các yếu tố tiềm ẩn nguy cơ nghèo như trẻ em từ 6-14 tuổi bỏ học, hộ không có nhà vệ sinh, hộ có nhà tạm, hộ có từ 7 nhân khẩu trở  lên, đang là hộ nghèo trong danh sách của địa phương,…

Mỗi nhóm trên đây lại được phân loại theo tính chất sử dụng hoặc giá trị còn lại của mỗi tài sản và các yếu tố đặc trưng của hộ để gán điểm nhằm tìm ra sự khác biệt hay xu hướng sở hữu tài sản của hộ nghèo và không nghèo. Hộ nghèo trong VHLSS 2008 được tính trên cơ sở chuẩn nghèo cho năm 2011 qui đổi theo giá năm 2008. Cách tính chuẩn nghèo do Tổng cục Thống kê thực hiện. Dưới đây là kết quả nghiên cứu.

Số liệu sử dụng và phương pháp: Nghiên cứu sử dụng bộ số liệu điều tra mức sống dân cư (VHLSS) 2008 để nghiên cứu tính toán và kiểm chứng với giả định đến năm 2011 tình trạng tài sản của các hộ biến động không nhiều, đặc biệt đối với hộ nghèo và hộ có thu nhập trung bình thấp. Chuẩn nghèo mới áp dụng trên bộ số liệu VHLSS 2008 được tính theo giá 2008 do TCTK cung cấp.

Nghiên cứu sử dụng phương pháp ước lượng gián tiếp (proxy) và ước lượng nhỏ thông qua các tài sản, phúc lợi và các đặc điểm đặc trưng như hoạt động tạo thu nhập của hộ gia đình, trình độ chuyên môn cao nhất các thành viên trong hộ đạt được để đưa vào áp dụng trong nhận dạng nghèo.  Ngoài ra nghiên cứu còn sử dụng phương pháp chuyên gia và phương pháp thống kê để kiểm chứng mức độ nhận dạng đúng, sai hộ không nghèo và hộ nghèo. Dưới đây là kết quả nghiên cứu.

Xin đọc toàn văn tại đây: Áp dụng kết quả nghiên cứu đặc điểm hộ gia đình vào rà soát hộ nghèo